Ngày 11/10, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp…
Ông Lâm Hồng Điệp - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Đô thị T&T cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhìn lại sự phát triển, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp có khoảng 2 - 3 triệu người. Cùng với tăng về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng được nâng cao, năng lực và khả năng hội nhập quốc tế có bước tiến rõ nét. Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương. Bên cạnh phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã ủng hộ, đóng góp tài lực, trí tuệ cho xã hội khi đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh, điển hình như trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Năm 2022 và 2023, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các tác động tiêu cực của các biến động chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế đất nước bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, gỡ dần được nhiều nút thắt lớn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế thế giới. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Kết quả hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách. Hiện nay, quy mô GDP Việt Nam nằm trong top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Ngày 13/10 là dịp để tri ân, vinh danh các doanh nhân đã có đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Quy mô kinh tế của nước ta thuộc nhóm tăng trưởng nhanh, độ mở của nền kinh tế cao. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thế giới với nhiều thương hiệu Việt mang tầm quốc tế. Ngoài ra, cộng đồng doanh nhân còn tích cực tham gia ủng hộ, sẻ chia, chung tay, đồng lòng cùng dân tộc vượt qua thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của đất nước. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp… Quy mô nền kinh tế của nước ta còn nhỏ, độ mở cao, trong khi tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp nên hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ còn có những khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nhân tiếp tục nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, tăng cường liên doanh, liên kết để ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát để ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cũng như tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân. Chính phủ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…